Đà Lạt cấm bán nông sản “lạ”: Không quản được thì cấm?

[Thông tin trái cây]

Bắt đầu từ hôm nay (15.9), chợ nông sản Đà Lạt chỉ cho phép kinh doanh các mặt hàng nông sản sản xuất tại địa phương, đã đăng ký thương hiệu “Đà Lạt-kết tinh kỳ diệu từ đất lành” và cấm các mặt hàng nông sản có xuất xứ từ nơi khác, nhất là khoai tây, càrốt, tỏi… nhập khẩu từ Trung Quốc. Liệu quy định bị cho là lạ này có phải để “ngăn sông cấm chợ” đối với nông sản của nông dân các huyện, tỉnh lân cận?

Nhằm giảm thiểu tình trạng các loại nông sản đội lốt nhãn mác Đà Lạt, UBND TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) đã ban hành nội quy riêng phù hợp với đặc thù của chợ nông sản Đà Lạt, với mục tiêu bảo vệ thương hiệu “Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Theo đó, quy chế mới với 8 điều, nếu các quầy kinh doanh trong chợ không thực hiện đúng, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Khẳng định đúng luật

Ông Nguyễn Đức Cứ - Phó Trưởng phòng Kinh tế Đà Lạt cho biết, hệ thống nội quy của chợ nông sản đã có và thực hiện từ năm 2015. Tuy nhiên, thời gian gần đây trước tình trạng tràn lan các loại hàng giả danh nông sản địa phương được nhập và sơ chế tại chợ nên UBND TP. Đà Lạt cương quyết thực hiện.

nong san la

Chợ nông sản Đà Lạt.

Trong đó, tại điểm 4, điều 3 của quy định ghi rõ: “Chợ nông sản Đà Lạt là chợ đầu mối rau Đà Lạt, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các mặt hàng của địa phương. Việc kinh doanh các mặt hàng không có xuất xứ từ Đà Lạt là không đúng chủ trương, định hướng của việc thành lập chợ nông sản Đà Lạt.

Vì vậy tiểu thương kinh doanh các mặt hàng nông sản tại chợ chỉ được kinh doanh các mặt hàng nông sản có xuất xứ từ Đà Lạt, nghiêm cấm mọi hành vi vận chuyển, lưu trữ hàng hóa nông sản có xuất ngoài địa phương Đà Lạt để mạo danh hàng nông sản Đà Lạt”.

Ông Cứ lý giải: “Vấn đề này buộc phải làm và cương quyết, nếu chúng ta không cho các tiểu thương lưu trữ các loại nông sản ngoại tỉnh vào chợ nông sản thì họ sẽ phải mang về gia đình hoặc kho riêng. Đến đây, thành phố sẽ có biện pháp xử lý khác, chúng tôi sẽ có đoàn kiểm tra về giấy phép kinh doanh, kiểm tra môi trường, theo đó cứ căn cứ vào luật sẽ xử lý mạnh tay”.

Tại điểm này, có nhiều ý kiến cho rằng nếu chỉ cấm ở chợ nông sản Đà Lạt mà không thực hiện ở các địa phương khác thì sẽ không triệt để và ngăn chặn được. Tuy nhiên, ông Bùi Thế - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, tại các huyện khác trong tỉnh thì sở sẽ phối hợp với các ban ngành để thành lập đoàn liên ngành để thường xuyên trinh sát về tình trạng quá khổ quá tải, hóa đơn… để kiểm tra đột xuất, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý.

Theo ông Hoàng Sỹ Bích – Phó Giám đốc Sở NNPTNT, giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng trên là phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để sản phẩm vừa đạt chất lượng tốt vừa giảm được giá thành cạnh tranh.

“Trong vài năm gần đây, tỉnh đã nhập khẩu khoảng 100 loại giống mới, đặc biệt, sở cũng phối hợp với trung tâm nghiên cứu khoai tây đã lai tạo ra khoảng 5 giống khoai mới có những thế mạnh và ưu điểm khi trồng tại Đà Lạt”- ông Bích cho biết.

Ông Đặng Mậu Nhi – Phó ban phụ trách Ban quản lý chợ nông sản Đà Lạt cho rằng thành phố làm quyết liệt bộ nội quy đối với chợ là rất phù hợp với thực trạng hiện nay để bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt. Ban quản lý chợ cũng phối hợp để thực hiện giám sát đối với 115 quầy thực hiện đúng nội quy trong chợ. Đơn vị cũng đã lắp thêm 4 camera theo dõi tại chợ có kết nối với công an phường 11.

“Lực lượng bảo vệ túc trực tại cổng, khi xe nhập hàng vào chợ phải xuất trình được giấy tờ liên quan, cung cấp địa chỉ nơi bán hàng, tên người cung cấp cùng số điện thoại để đơn vị xác minh luôn, nếu đúng với quy định thì mới cho hàng vào chợ”- ông Nhi nhấn mạnh.

Hàng “ngoại” tràn lan

Mới đây nhất là hai vụ mà lực lượng công an TP.Đà Lạt đã thu giữ hàng tấn khoai tây được đấu trộn đất của địa phương vào để giả danh nhãn mác của khoai tây Đà Lạt. Cụ thể, chỉ trong 2 ngày 21 – 22.8, các cơ quan chức năng ở Lâm Đồng liên tiếp bắt quả tang nhiều vụ trộn đất đỏ vào khoai tây Trung Quốc để mạo danh khoai tây Đà Lạt, đánh lừa người tiêu dùng.

Đó là 2 cơ sở của Đoàn Thị Chè (quầy số 19, chợ nông sản Đà Lạt) và Nguyễn Thị Kim Hiệp (số 340 Tự Phước, phường 11, TP.Đà Lạt). Qua kiểm tra một lượng lớn khoai tây trong tổng số 4 tấn khoai tây có nguồn gốc Trung Quốc đã được nhuộm đất xong.

Bà Chè và bà Hiệp đều cho biết, việc nhuộm đất đỏ Đà Lạt vào khoai tây Trung Quốc là theo yêu cầu của mối hàng, để họ dễ bán. Riêng bà Hiệp mỗi tháng cung cấp khoảng 6 - 12 tấn khoai tây Trung Quốc về chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (TP.HCM).

Chính vì những hành vi làm mất thương hiệu của nông sản Đà Lạt như vậy nên vừa qua Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng đã có đợt tổng kiểm tra hoạt động kinh doanh nông sản tại TP.Đà Lạt, huyện Đơn Dương và Đức Trọng.

Kết thúc đợt kiểm tra, các cơ quan chức năng đã công khai 17 cơ sở kinh doanh các mặt hàng nông sản Trung Quốc, chủ yếu là khoai tây, hành tây, cà rốt, tỏi… Trong đó, Đà Lạt có 6 cơ sở, đều tập trung trong chợ đầu mối nông sản Đà Lạt, tại Đơn Dương có 4 cơ sở kinh doanh nông sản Trung Quốc và Đức trọng có 7 cơ sở tương tự.

Trái cây vườn nhà theo nguồn Dân Việt

Nhận xét - Bình luận

Có thể bạn quan tâm